Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Những người ở lại...


Trở về sau chuyến công tác gần 1 tuần với những ngày làm việc vất vả tại mảnh đất địa đầu của tổ quốc – Hà Giang, Tôi vẫn còn vẹn nguyên cảm nhận về cái mùi sương sớm, mùi của đá núi và cái vị khô chát của mèn mén.

 

Những trải nghiệm đầu tiên

Phải đi công tác sau những ngày thức cả đêm bên bàn dựng là điều mà chúng tôi luôn cảm thấy ái ngại, ngay sau đêm ghi hình lễ khởi động Cặp lá yêu thương đoàn đã phải bắt đầu di chuyển lên Hà Giang từ 7h sáng. Lần đầu tiên đến Hà Giang, cảm giác vừa háo hức lại vừa lo lắng. Háo hức vì nghe nói Hà Giang đẹp lắm, ở đâu cũng đẹp nên thơ lại sắp vào mùa hoa tam giác mạch nữa nên lúc ngồi trên xe tôi chỉ muốn đến Hà Giang thật nhanh để hít hà cái khí trời trong lành nới đó và chụp ảnh thỏa thích. Thế nhưng chuyện lại chẳng được như mong muốn nỗi lo sợ nhất của tôi là bị say xe cứ đến dần dần, trên từng cung đường….

Sau 1 ngày cùng với chiếc xe 16 chỗ chất đầy đồ đạc cuối cùng chúng tôi đã đến được thành phố Hà Giang. Sáng hôm sau xuất phát từ 7h nhưng phải đến gần trưa chúng tôi mới đến được huyện Yên Minh nới có 2 nhân vật mà chúng tôi sẽ làm phóng sự. Đường đi chỉ đủ tránh 2 cái xe ô tô nhỏ, dốc núi uốn lượn quanh co, mỗi lẫn nhìn ra cửa xe thì chỉ thấy vực thẳm. Để di chuyển vào nhà của nhân vật chúng tôi hoàn toàn di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ dưới sự hướng dẫn của cán bộ xã.


Chúng tôi cùng tác nghiệp

Những mầm non trên đá

Xem xong phóng sự đầu tiên về em Thò Mí Chơ tôi vẫn nghĩ rằng chắc nhà nghèo lắm mới phải ăn mèn mén như vậy. Nhưng đến từng bản tôi mới thấy được tại sao cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám họ những người dân nơi đây. Ở Hà Giang với những nơi chỉ toàn núi đá thì thức ăn chính của họ là mèn mén. Chuyện các em phải tự lập từ nhỏ vác những bó củi còn nặng hơn cân nặng của mình là chuyện rất bình thường. Rất nhiều em nhỏ bị mồ côi cha, mẹ sống một mình hoặc cha, mẹ bỏ đi làm ăn mãi chẳng quay về.

Ở đây trẻ con chẳng biết đến chuyện chơi, chỉ vùi đầu vào làm với những công việc quen thuộc suốt 365 ngày là: lấy củi trên rừng, làm nương, cắt cỏ cho bò… Đứa trẻ con nhìn mặt cũng lầm lũi, tay không chai sạn, vàng vọt thì cũng đứt vài ngón do cái máy cắt cỏ cho bò.

Điều mà chúng tôi sợ nhất là không thể giao tiếp được với các em, tiếng phổ thông thì các em không biết, tiếng dân tộc thì hỏi gì cũng chỉ đáp lại 1 câu ngắn ngủn “Chi Pâu – Không biết”. Dù có cả phiên dịch là người thân, họ hàng, hàng xóm nhưng việc giao tiếp được với những đứa trẻ chẳng phải là điều dễ dàng, phải mất đến nửa ngày mới có thể làm thân và phỏng vấn được các em.



Những người bạn nơi rẻo cao

Những người bạn









Chuyến đi này của tôi có nhiều điều đáng nhớ là học được dăm ba câu tiếng dân tộc để bỏ túi, ăn mèn mén, uống rượu ngô… Nhưng điều mà tôi nhớ nhất là anh mắt, nụ cười, của các em… Tôi vẫn nhớ mãi cậu bé Mua Mí Chía 15 tuổi ở Tả Lủng, Mèo Vạc gia đình có 2 anh em sống với bà nội, bố và mẹ đã mất được gần chục năm nay. Mọi việc nặng nhọc của một người đàn ông trong gia đình đều do em gánh vác. Hỏi Chía còn thích đi học không em bảo “Thèm đi học lắm, vì đi học cảm thấy sáng được cái đầu ra ở nhà chỉ làm việc chân tay, không có bạn bè rất buồn”.

 

Chía đã phải nhường tiếp cơ hội học hành của mình cho em trai là Mua Mí Chả vì phải giúp bà làm ăn kinh tế và việc nương, rấy. Nhìn vào em tôi thấy một người đàn ông bé nhỏ với nghị lực phi thường, bằng tuổi em học sinh ở thành phố nhiều em vẫn còn được bố mẹ chuẩn bị đồ ăn sáng, đưa đi đón về, thế mà với Chía với nhiều đứa trẻ khác ở đây cơm còn chả có mà ăn huống gì chuyện ăn sáng, đi học chỉ là giấc mơ chứ nói gì chuyện được đi đón về lúc tan trường.

Chính sự nỗ lực của em và  ước mơ giản dị “làm cán bộ xã để giúp đỡ dân bản” là điều tôi thấy ấm lòng nhất khi đến với Hà Giang. Chia tay các em, hình ảnh về bữa cơm tối chỉ có mèn mén, những đôi vai gồng mình vì sức nặng của sự cô cứ ám ảnh mãi trong tôi và thôi thúc tôi phải làm 1 điều gì đó. Ngày về trời Hà Giang chuyển mưa, ngồi trong xe cả đoàn im lặng chẳng biết nói gì, chỉ nhìn qua ô cửa và sũy nghĩ….

Tháng 11 đoàn chúng tôi sẽ trở lại với những món quà đặc biệt dành cho các em.

Naomi Campell

 





Những cái Bóng....


 
Trong lúc chờ cái máy tính cùi của mình xuất file phóng sự đầu tiên làm về nhân vật Cặp lá ở Hà Giang. Mình lại nhớ đến những hình ảnh ám ảnh mình trong đợt ghi hình lần này. Đó là hình ảnh 2 chị em Vàng Thị Tùng và Vàng Thị Mỷ.
 

 

Mình xem như phóng sự đó chắc sụp đổ hoàn toàn và chẳng ra gì được, chưa dám dựng, sợ dựng vì không biết phải ứng xử với sự im lặng mà 2 chị em nhà đó mang lại như thế nào. Không nói, không cười, không giao tiếp với nhau chứ chưa nói đến là ngồi vào cuộc phỏng vấn được. Dùng tiếng H'Mông để hỏi chỉ nhận được 1 đáp án duy nhất: Chi Pâu - Không biết !

 2 chị em như 2 cái bóng chỉ biết làm theo những gì được chỉ, mặt cúi gằm. Tất cả vì sự cô đơn mà các em đã phải trải qua cả tuổi thơ của mình. Bố và mẹ qua đời từ khi các em còn nhỏ gia đình chỉ có 3 anh em nương tựa vào nhau, mọi thứ tự lo liệu. Thức ăn chỉ có mèn mén trên nương, rau ngoài vườn cho qua ngày đoạn tháng.

Mỷ 17 tuổi cái tuổi mà nhẽ ra ở cái bản này là đương thì con gái, người ta thì chuẩn bị dựng vợ gả chồng. Nhưng Mỷ thì vục đầu vào công việc, gương mặt lúc nào cũng lầm lì cả tuổi thơ và tuổi trẻ của em cứ trôi qua vậy, anh trai đã đi bộ đội giờ thì 1 mình em đóng cả 2 vai vừa làm bố vừa làm mẹ.

Sự lạnh lẽo trong nhà của 2 đứa trẻ làm mình bị ám ảnh và đáng sợ. Không bạn bè, không ai hỏi thăm 1 sự lạnh lùng đến ghê người. Dù đã hỏi nhưng câu hỏi chạm đến nỗi đau của 2 đứa, nhưng nước mắt giờ chả còn để khóc nữa, mắt chỉ hoe đỏ và nhìn vào ánh lửa bên nồi mèn mén hấp vội để ăn trưa.

Có lẽ sự im lặng đấy cũng đang bao trùm không gian nội tại của mình. Sống im lặng ít chia sẻ và thực sự cũng chả biết chia sẻ cùng ai. Công việc, những mối quan hệ làm mình phải dè chừng, phải đắn đo, phải suy nghĩ và cuối cùng những bí mật, những niềm vui hay dự định cũng tự được trôn vùi vào những cái lịch họp, lịch công tác hàng tháng.

Giờ chỉ đâm đầu vào làm, chả muốn nghĩ, mà đúng hơn chả dám nghĩ bởi vì càng nghĩ càng thấy sợ sự lạnh lẽo bủa vây xung quanh nơi mình sống, nơi mình làm, nơi mình đến  nơi mình đi qua. Do cuộc sống bản thân nội tại nó đã như vậy hay tại chính bản thân mình đây.

Một sự bất lực của những con chuột bạch 9x.
Naomi Campell